Công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình
Sáng ngày 5/3, UBND tỉnh long trọng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam; đại diện cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình thẩm định Quy hoạch tỉnh.
Dự hội nghị về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là Thường trực Tỉnh ủy qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được tổ chức ngay trong những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024. Từ đó đã mang đến một tinh thần phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh Thái Bình trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đồng chí trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia, nhà khoa học đã hỗ trợ cho tỉnh trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng để tỉnh Thái Bình thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết tỉnh Thái Bình sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh công bố Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. Để hiện thực hóa quan điểm phát triển, Quy hoạch tỉnh đã xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế – xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm. Quy hoạch tỉnh cũng có nhiều điểm mới, đột phá như: Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”, Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp – đô thị – dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn; xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng, “trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ Trà Lý; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển công nghiệp dược – sinh học, sân bay chuyên dụng, đường sắt…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu nổi bật Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.
Nhấn mạnh về những kết quả nổi bật tỉnh Thái Bình đã đạt được đặc biệt là kết quả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định đó chính là chìa khóa để Thái Bình mở ra cánh cửa mới và con đường mới để phát triển. Với vị trí địa lý thuận lợi; khả năng tiếp cận đất đai dễ dàng; sự quan tâm của nhiều thế hệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng Thái Bình đang đi đúng hướng trong quá trình phát triển và Thái Bình sẽ có sự bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thái Bình cần tuân thủ đúng định hướng và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đồng bộ Quy hoạch tỉnh với hệ thống quy hoạch cấp dưới và các kế hoạch đã đề ra, đồng thời thấu hiểu quy hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tiếp thu và bế mạc hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức kinh tế; đồng thời, biểu dương sự nỗ lực của UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh.
Nhấn mạnh 8 điểm cốt lõi, nổi bật của Quy hoạch tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa khát vọng phát triển với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; xác định tư duy phát triển mới với tầm nhìn dài hạn, trong đó xác định rõ quan điểm, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển theo hướng hài hòa và bền vững; xác định những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 trụ cột tăng trưởng, hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu, trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng; xác định 3 khâu đột phá then chốt, đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; định hướng phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế – xã hội; xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh khẩn trương phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; từ đó tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh; bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các định hướng lớn của Quy hoạch tỉnh trên cơ sở đó kiên trì triển khai thực hiện cụ thể các giải pháp đã đề ra; xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh, từ đó phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; quan tâm giải quyết tốt các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu Quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó quan tâm đầu tư vào Thái Bình trong thời gian tới. Đồng thời, cam kết tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện thuận lợi nhất các dự án trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình; các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP bên lề hội nghị.
Các đại biểu tìm hiểu các phương án phát triển trong Quy hoạch tỉnh.
Nguồn:Báo Thái Bình