Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu công nghiệp tiên phong trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Bước vào năm 2023, 7/7 dự án đầu tư vào Liên Hà Thái đều chuyển động, tạo ra nhịp điệu mới, sức sống mới. Trong đó, Nhà máy OhSung Vina đã đi vào sản xuất ổn định. Tháng 2/2023, Nhà máy Lotes Thái Thụy chính thức đi vào hoạt động. Quý I/2023, Nam Tài Group khởi công xây dựng Trung tâm thiết kế thời trang New World Fashion cùng nhà xưởng cho thuê. Tập đoàn Greenworks khởi công nhà máy sản xuất thiết bị làm vườn thông minh. KoreaSMT khởi công nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và Công ty An Thái khởi công nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô.
Đầu tháng 6/2023, Compal Electronics Việt Nam đã đầu tư dự án sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử, vốn đầu tư 260 triệu USD vào Liên Hà Thái, doanh thu dự kiến đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029, tạo việc làm cho 17.000 lao động. Chứng kiến lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận đánh giá, đây là sự khởi đầu tốt đẹp, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Liên Hà Thái trong thời gian tới.
Tháng 2/2023, tại Khu kinh tế Thái Bình, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh động thổ Khu công nghiệp Hải Long, diện tích 296,97 ha, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng thành khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiêu biểu của Khu kinh tế Thái Bình, thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tháng 4/2023, liên danh các nhà đầu tư Quỹ Makara Capital Partners Pte., Ltd; Sake Corporate Advisory Pte., Ltd và Công ty cổ phần Newtechco Group đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Dược – Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ. Đây là mô hình đầu tiên trong 2 khu công nghiệp dược – sinh học cả nước. KCN có quy mô hơn 300 ha, đầu tư hạ tầng 9 tỷ đồng/ha, gồm các trung tâm, viện nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hậu cần logistics và khối nhà máy sản xuất. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 800 triệu USD, giai đoạn II khoảng 2 tỷ USD. Thái Bình khẳng định quyết tâm cao, sẵn sàng triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ dự án từ quý IV/2023.
Đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh có 44 dự án được chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm hơn 2.286 tỷ đồng. Trong đó có 26 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với vốn đăng ký mới và tăng thêm hơn 1.304 tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 473 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn 2.926 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hạ tầng không ngừng được cải thiện
Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hàng loạt tuyến đường mới được mở ra, nhiều tuyến đường cũ được nâng cấp như Quốc lộ 10, Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 454, hệ thống tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình…
Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ.
Nhằm tạo lợi thế thu hút đầu tư, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Hàng ngàn héc-ta đất của Khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng, phục vụ cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các dự án thứ cấp.
Với chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư, Thái Bình kêu gọi được hàng chục nhà đầu tư hạ tầng, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đón các dự án thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
PCI tăng 19 bậc, cao nhất từ trước đến nay
Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình đạt 65,78 điểm, tăng 19 bậc và tăng 3,47 điểm so với năm 2021, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 10 chỉ số thành phần, Thái Bình có 6 chỉ số có mức điểm đánh giá tăng so với năm 2021. Đáng chú ý, một số chỉ số đạt thứ hạng cao như: thiết chế pháp lý xếp thứ 2 toàn quốc; tính năng động và đào tạo lao động xếp thứ 14 toàn quốc. Đặc biệt, Thái Bình đã được xếp vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.
Sự thăng hạng vượt bậc trong bảng chỉ số PCI năm 2022 đã chứng minh những nỗ lực cũng như sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tiếp nối nỗ lực đó, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng từ 3 đến 5 bậc, đến năm 2025 đứng trong nhóm từ 15 đến 20 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước.
Bừng sáng những vùng quê nông thôn mới
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, quê lúa Thái Bình đã vươn mình phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Ngay sau khi các xã, huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, Thái Bình đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận. Trên 100 sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao với 67 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn.
Thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, Thái Bình có 79 xã đã thực hiện lắp đặt được 181,906 km đường điện sáng. Mọi nẻo đường quê lung linh ánh điện.
Trong phát triển kinh tế, Thái Bình thu hút được hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao như: Dự án nhà máy chế biến thực phẩm sạch của Tập đoàn TH; Dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco…
Hiện thực hóa nông nghiệp đại điền
Thái Bình có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là nông sản trọng tâm với diện tích đạt 155.000 ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, từ năm 2014, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, được sự ủng hộ, động viên, cùng những giải pháp hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, một số nông dân đã quyết định sản xuất quy mô lớn, mạnh dạn thuê lại ruộng của bà con để canh tác.
Từ năm 2015 đến năm 2020, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã tạo nên những chuyển biến lớn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, hỗ trợ máy gặt, máy cấy cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, trong năm 2021, HĐND tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/NQ-HĐND hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, Thái Bình có hơn 1.700 hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất, với tổng diện tích gần 6.000 ha. Trong đó, 140 hộ tích tụ từ 5 ha, 120 hộ có từ 7 ha… Có những hộ đại điền đã tích tụ gần 70 ha. Nhờ thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền, diện tích ruộng hoang hóa bỏ không ở Thái Bình đang giảm mạnh.
Câu lạc bộ Đại Điền đã được thành lập, quy tụ hàng trăm thành viên ở các xã, huyện nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Vừa qua, các doanh nghiệp tại Thái Bình như Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc, cùng một số doanh nghiệp đã ký kết với Câu lạc bộ Đại Điền Thái Bình hợp tác liên kết sản xuất, cung cấp giống lúa chất lượng theo yêu cầu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn: Báo Đầu tư( www.baodautu.vn)